logo

Như dòng chảy nhẹ nhàng và sâu lắng, từ lâu rượu đã được người xưa tôn vinh và trân trọng như một món quà của thượng đế ban tặng. Rượu là thức uống không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Việt mỗi dịp cúng bái, tế lễ. Đằng sau mỗi chai rượu là cả một quá trình, là thành quả lao động của những người nông dân chăm chỉ, cần mẫn. Từ những hạt gạo dẻo thơm, qua sự chắt lọc tinh túy của đất trời đã tạo những giọt rượu thơm ngon nhất.

Đối với người Mường ở Hòa Bình, từ ngày xa xưa, cứ vào dịp ngày mùa tháng năm, tháng mười, hầu như nhà ai lúa, gạo cũng đầy bồ, đầy thúng. Bởi vậy mà rượu cũng phải đầy chum, đầy chóe. Những dịp này đồng bào dân tộc Mường thường hay mượn bừa, mượn cày, lợp nhà, rước dâu về đón rể vào… Còn vào dịp Tết là ủ rượu để uống mừng xuân mới. Ngày nay, không phải gia đình người dân tộc Mường nào cũng làm rượu nữa, nhưng công thức nấu rượu truyền thống của họ không vì thế mà mai một đi vì vẫn có những người con tìm cách giữ gìn và phát triển.

Tuy không phải là người dân tộc Mường, nhưng được sinh ra và lớn lên, sinh sống tại vùng đất Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình, dựa trên cách nấu rượu truyền thống của người Mường xưa, hộ gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn đã thành công với một loại rượu men lá mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đó là rượu Tiên tửu nếp xứ Mường. Anh Tuấn chia sẻ: “Khi quyết định sản xuất loại rượu đặc sản này, chúng tôi nhận được hướng dẫn của các sở, ngành và UBND huyện Lạc Sơn để hoàn thiện quy trình sản xuất rượu sạch truyền thống. Đến nay, quy trình qua 8 bước từ sơ chế nguyên liệu, lên men sơ cấp và thứ cấp, ngâm ủ, trưng cất khử Andehyde, lão hóa rượu và đóng gói sản phẩm đều đã qua các bước kiểm định chặt chẽ. Theo đó, tất cả các sản phẩm rượu của cơ sở đều qua khử độc và để đủ thời gian trên 3 tháng mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Chúng tôi đã ký kết với các hộ trồng lúa nếp tại xã Miền Đồi để xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm".          

Muốn có rượu ngon thì phải phụ thuộc vào men. Người Mường xưa và nay đều nấu rượu bằng men lá. Đó là tổng hợp của nhiều lá, cây, củ, quả rừng, những bắt buộc phải lấy được vỏ cây gỗ mun. Cây gỗ mun thường mọc trên các ngọn núi đá. Các dịp đi lấy vỏ của cây gỗ mun thường là vào tháng năm, tháng mười và Tết Nguyên đán. Đặc biệt khi chế men, người Mường quan niệm rằng men rượu phải có đực và cái vì thế khi làm quả men có 2 hình thái đó là men đực dài còn men cái thì tròn. Trong lúc làm men, kiêng kỵ nhất là có người đến nhà. Nếu có người đến nhà thì men sẽ bị “nghén”, ủ rượu không ngon nữa.

Bản chất của quy trình chưng cất rượu gạo là phương pháp dùng nhiệt để tách rượu từ hỗn hợp cơm rượu. Anh Tuấn đã rất kỹ lưỡng trong việc chọn lựa nguyên liệu đảm bảo yếu tố trắng, thơm, ngon, đậm vị. Khi nấu cơm cần cân chỉnh lửa to, nhỏ phù hợp để cơm được chín đều. Nấu cơm xong thì để nguội sau đó trộn men thật đều, để men thấm đều vào cơm ủ 20 đến 25 ngày rồi đem đi chưng cất bằng nồi đồng hoặc các thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ. Khi nồi rượu sôi cần điều chỉnh lửa nhỏ để rượu được nấu có thể chảy ra từ từ, nếu đun với lửa quá to sẽ làm phì rượu tạo ra rượu kém chất lượng, làm rượu có mùi khét khi sử dụng. Rượu Tiên tửu nếp xứ Mường được nấu bằng phương pháp nấu rượu cách thủy, sau đó được đem hạ thổ, ủ chìm dưới lòng đất từ 4 tháng đến một năm. Trong quá trình ủ rượu phải tránh để gió lùa vào và tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào làm hỏng rượu. Rượu Tiên tửu nếp xứ Mường được xử lý làm mất hết thành phần andehit, nên giúp rượu uống ngon hơn, hương vị thơm nồng kích thích vị giác tạo cảm giác phóng khoáng, mới mẻ, say mê cho người dùng.

Rượu Tiên tửu nếp Xứ Mường đã thực sự mang được cái hồn cốt của rượu truyền thống xưa. Vì vậy khi nhâm nhi chén rượu Tiên tửu ấy không đơn thuần là bạn đang uống rượu mà là chén rượu đang đưa bạn trở về với giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường. Đừng uống rượu để say, mà hãy uống rượu để cảm nhận sự tinh túy của cuộc sống và trân trọng hơn những tài sản tinh thần quý báu được giữ trong từng chén rượu thơm ngon, nồng đượm.

 

 

 

G

0979666545